Dưới sự chủ trì của GS.TS Nguyễn Hữu Tú – Hiệu trưởng Nhà trường, Hội nghị có sự tham gia của GS.TS Tạ Thành Văn – Bí thư Đảng ủy; PGS.TS Phan Thị Thu Hương – Chủ tịch Hội đồng trường; thành viên Ban Giám hiệu; cùng các thầy/ cô là Trưởng các đơn vị thuộc Trường.
_files/Image1.jpeg)
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Tổng kết hoạt động Quý I năm 2025
Trong 3 tháng đầu năm Trường Đại học Y Hà Nội đạt nhiều kết quả ấn tượng: Hoàn thành Đại hội 62 Chi bộ và 1 Đảng bộ bộ phận, tổ chức thành công Hội nghị Đại biểu Viên chức và Người lao động. Công tác nhân sự được tăng cường với việc kiện toàn Hội đồng Trường, bổ nhiệm lại Phó Hiệu trưởng phụ trách Kinh tế và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc. Bộ chỉ số đánh giá hiệu quả (KPIs) năm 2025 cũng được ban hành, kèm theo việc hoàn thiện tự đánh giá 9 chương trình đào tạo.
Trường Đại học Y Hà Nội đã hoàn thiện Đề án phát triển trường trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia, hướng tới nhóm hàng đầu Châu Á. Cùng với đó, trường mở rộng phân hiệu tại Thanh Hóa và ra mắt Không gian Pháp ngữ, tạo tiền đề cho hợp tác đa quốc gia.
Công tác đào tạo và hỗ trợ nghiên cứu: Trong quý I, trường trao bằng cho 2.244 học viên, trong đó có 23 Tiến sĩ, 588 Thạc sĩ và 274 Bác sĩ chuyên khoa II. Đáng chú ý, chính sách hỗ trợ giảng viên xuất bản quốc tế và miễn học phí cho nghiên cứu sinh (theo Quyết định 1059/QĐ-ĐHYHN) đã được triển khai, thể hiện cam kết nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học.
_files/Image2.jpeg)
GS.TS Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại Hội nghị
GS.TS Nguyễn Hữu Tú – Hiệu trưởng đề ra nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2025: Chuẩn bị tiếp quản Bệnh viện K71 Trung ương và Bệnh viện Điều dưỡng – PHCN Trung ương để mở rộng mạng lưới thực hành. Tổ chức thi tốt nghiệp cho khóa Bác sĩ Y khoa đầu tiên theo chương trình đổi mới, đồng thời kết thúc năm học 2024-2025. Triển khai hệ thống E-Office tích hợp chữ ký điện tử, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá KPIs chi tiết. Thực hiện đánh giá ngoài 9 chương trình đào tạo và triển khai Đề án Phát triển Trường.
Tiếp theo tại Hội nghị, PGS.TS. Hồ Thị Kim Thanh, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn tiếp tục chương trình với báo cáo về công tác quản lý cơ sở thực hành và giảng viên thỉnh giảng: Với 121 cơ sở thực hành trong đó có 102 cơ sở hoạt động khám chữa bệnh và 78 CSTH đang triển khai đào tạo; 65 CSTH đã ký hợp đồng nguyên tắc theo Nghị định 111/NĐ-CP; tiếp nhận thêm 2 bệnh viện (BV 71 TƯ và BV Điều dưỡng PHCN TƯ) làm cơ sở thực hành. Tổng số 1.678 Giảng viên thỉnh giảng, gồm 161 Giáo sư, Phó Giáo sư, 840 Tiến sĩ/Bác sĩ CKII, và 489 Thạc sĩ/BSNT/CKCI.
_files/Image3.jpeg)
PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh - Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn trình bày báo cáo về công tác quản lý cơ sở thực hành và giảng viên thỉnh giảng
Báo cáo trình bày một số quy định mới trong đào tạo thực hành: Về chương trình; Kế hoạch; Hợp đồng đào tạo thực hành; Quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan trong tổ chức đào tạo thực hành.
Báo cáo nêu một số điểm mới trong công tác quản lý cơ sở thực hành và giảng viên thỉnh giảng. Đồng thời đề ra kế hoạch phát triển cơ sở thực hành với một số mục tiêu trọng tâm như: Tiếp tục xây dựng, củng cố hợp tác toàn diện, chặt chẽ với các cơ sở thực hành hiện có; Xây dựng chương trình đào tạo và kế hoạch thực hành sớm từ đầu năm, chia số lượng phù hợp cho từng cơ sở, thống nhất với cơ sở thực hành; Các bộ môn đề xuất thêm cơ sở triển khai thực hành của bộ môn trong các cơ sở thực hành đã kí; Xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý trong quan hệ hợp tác cả về nhân lực và tài chính nhằm nâng cao hiệu quả quản lý giữa Trường và các cơ sở thực hành…
Đối với việc phát triển giảng viên thỉnh giảng: Rút gọn quy trình công nhận giảng viên thỉnh giảng, đơn giản hóa thủ tục hành chính; Số hóa và quản trị số trong công tác quản lý giảng viên thỉnh giảng; Thúc đẩy mạnh việc mời giảng viên thỉnh giảng là người nước ngoài, các chuyên gia nước ngoài có trình độ chuyên môn cao; Tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng giảng viên thỉnh giảng về phương pháp giảng dạy thực hành; Xây dựng chế độ đãi ngộ đối với giảng viên thỉnh giảng.
Định hướng phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2025-2030
Một trong những nội dung quan trọng của hội nghị là định hướng phát triển khoa học công nghệ của Trường Đại học Y Hà Nội trong giai đoạn 2025-2030. PGS.TS. Kim Bảo Giang, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, đã trình bày các chiến lược tập trung vào nâng cao năng lực nghiên cứu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.
_files/Image4.jpeg)
PGS.TS. Kim Bảo Giang, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn trình bày Định hướng phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2025-2030.
Báo cáo dựa trên các văn bản quan trọng như Nghị định 109/2022/NĐ-CP, Quyết định 569/QĐ-TTg về chiến lược phát triển KHCN, và Nghị quyết 57-NQ/TW về chuyển đổi số quốc gia. Mục tiêu đến năm 2035 của Trường Đại hoc Y Hà Nội là nâng quy mô đào tạo trên 20.000 người học, trong đó >50% là học viên sau đại học; 100% chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng; Công bố 1.000 bài báo quốc tế/năm, đạt 0.75 bài/giảng viên/năm; Xếp hạng trong top 100 đại học châu Á và top 800 thế giới, thu hút 500 sinh viên quốc tế.
Báo cáo đề ra những chiến lược phát triển mới: Cập nhật quy trình, phần mềm quản lý KHCN, đảm bảo liêm chính học thuật và sở hữu trí tuệ. Phát Triển Nhóm Nghiên Cứu Mạnh: Mỗi năm thành lập 2 nhóm nghiên cứu mạnh, đạt tiêu chí:10 bài báo WoS/Scopus/năm. 5 bằng sáng chế hoặc giải pháp hữu ích. Đào tạo 5 tiến sĩ/5 năm và chuyển giao 5 công nghệ. Ưu Tiên Trọng Tâm Nghiên Cứu: Tập trung vào AI trong y học, gen, hệ thống y tế, dinh dưỡng, và y học cổ truyền.Thúc đẩy đăng ký sáng chế, hợp tác quốc tế. Tăng Cường Năng Lực Khoa Học: Tổ chức tập huấn, hội thảo chuyên môn; hỗ trợ giảng viên tham gia hội nghị quốc tế. Phát triển câu lạc bộ nghiên cứu cho sinh viên, học viên. Thúc Đẩy Xuất Bản Quốc Tế: Nâng cao chất lượng Tạp chí Nghiên cứu Y học (tiếng Việt và Anh), hướng tới chỉ mục trích dẫn quốc tế (ASEAN Citation Index). Phát Triển Hạ Tầng và Hợp Tác: Thành lập Quỹ KHCN huy động đa nguồn vốn. Xây dựng 20 viện/trung tâm nghiên cứu xuất sắc, tập trung vào công nghệ chiến lược.
Hội nghị cũng dành thời gian để các đại biểu thảo luận về những thách thức và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và quản lý Nhà trường. Các ý kiến đóng góp xoay quanh các vấn đề như: Cải thiện chất lượng đào tạo thực hành: Đề xuất xây dựng thêm các trung tâm mô phỏng lâm sàng để sinh viên có nhiều cơ hội thực hành hơn. Tăng cường hỗ trợ nghiên cứu khoa học: Đề nghị mở rộng các quỹ hỗ trợ nghiên cứu, khuyến khích giảng viên và sinh viên tham gia các dự án lớn. Đổi mới quản lý hành chính: Ứng dụng hệ thống quản lý số hóa để nâng cao hiệu quả vận hành và hỗ trợ sinh viên tốt hơn.
_files/Image5.jpeg)
GS.TS Tạ Thành Văn - Bí thư Đảng ủy phát biểu tại Hội nghị
_files/Image6.jpeg)
PGS.TS Phan Thị Thu Hương - Chủ tịch Hội đồng trường phát biểu tại Hội nghị
Kết thúc hội nghị, GS.TS. Nguyễn Hữu Tú nhấn mạnh vai trò của sự đoàn kết, hợp tác và đổi mới trong việc nâng cao vị thế của Trường Đại học Y Hà Nội, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu y học hàng đầu khu vực.
Hội nghị giao ban Quý I/2025 đã khép lại với nhiều định hướng quan trọng, hứa hẹn mang lại sự phát triển mạnh mẽ và bền vững cho Nhà trường trong thời gian tới.
Trần Lan ( ĐHYHN)