Ngày 16 tháng 11 năm 2016, Trường Đại học Y Hà Nội đã tổ chức Hội nghị “Đổi mới đào tạo Y khoa lần thứ 2”.
Ngày 16 tháng 11 năm 2016, Trường Đại học Y Hà Nội đã tổ chức Hội nghị “Đổi mới đào tạo Y khoa lần thứ 2”. Đổi mới đào tạo Y khoa là một yêu cầu cấp thiết được đặt ra trong giai đoạn hiện nay, đây là một nhiệm vụ trọng tâm của Trường Đại học Y Hà Nội.
Tới dự Hội nghị, về phía khách mời có GS.TS Nguyễn Công Khẩn - Nguyên Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế.
Đặc biệt là sự góp mặt của 2 báo cáo viên: GS.TS Phạm Thị Minh Đức - Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội và PGS.TS Vũ Minh Phúc - Phó trưởng Khoa Y, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh; Phóng viên các báo, đài truyền hình đến đưa tin.
Về phía Trường Đại học Y Hà Nội có: PGS.TS Nguyễn Đức Hinh - Hiệu trưởng nhà trường; Thành viên Ban Giám hiệu; cùng toàn thể các Giáo sư, Phó Giáo sư trong Trường; Lãnh đạo các Viện, Khoa, Bộ môn, Giáo vụ Đại học, Giáo vụ Sau đại học; Lãnh đạo các Phòng, Ban, Trung tâm; đặc biệt là sự có mặt của 70 sinh viên là cán bộ Đoàn và cán bộ lớp đại diện cho sinh viên tham dự.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Đức Hinh nhấn mạnh: Cán bộ viên chức trong toàn trường cần phải thấm nhuần, quán triệt văn hóa đổi mới và văn hóa chất lượng. Đồng thời PGS.TS Nguyễn Đức Hinh cũng có bài báo cáo trình bày về vấn đề “Đổi mới mô hình đào tạo bác sĩ Y khoa”, báo cáo trình bày mô hình đào tạo của Trường Đại học Y Hà Nội hiện nay, so sánh với mô hình đào tạo của các nước trên Thế giới, hướng đến đề xuất xây dựng một mô hình đào tạo mới phù hợp với xã hội hiện nay.
Để trở thành Bác sĩ chuyên khoa, các bác sĩ y khoa phải học và thực hành tại các bệnh viện thêm 2 hoặc 3 năm chuyên khoa, sau đó thi cấp chứng chỉ hành nghề phạm vi chuyên khoa. Để trở thành bác sĩ chuyên khoa sâu phải học và thực hành tại các bệnh viện thêm từ 2 năm trở lên và thi chứng chỉ hành nghề 1 lần nữa. Đối với những người lựa chọn hướng nghiên cứu, do Bộ Giáo dục & Đào tạo quản lý thì phân thành 2 giai đoạn Thạc sĩ đào tạo 2 năm và Nghiên cứu sinh đào tạo 3, 4 năm để lấy bằng Tiến sĩ.
Tham chiếu với khung trình độ Quốc gia thì các Cử nhân Y khoa tương đương với khung trình độ bậc 6. Các bác sĩ Y khoa tương đương khung trình độ bậc 7, còn các bác sĩ chuyên khoa tương đương khung trình độ bậc 8.
Hội nghị còn được lắng nghe trình bày của GS.TS Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng phụ trách Đào tạo Đại học về vấn đề “ Đổi mới đào tạo Y khoa Tại Trường Đại học Y Hà Nội, căn cứ định hướng, quy tắc và kế hoạch thực hiện”. Thông qua Hội nghị đổi mới đào tạo Y khoa lần thứ nhất, qua thăm dò ý kiến của các thầy/cô, các học viên, sinh viên trong trường, thấy được sự cần thiết của việc đổi mới, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạoY khoa, đáp ứng được yêu cầu của xã hội trong thời kỳ mới. Dự kiến bắt đầu từ năm học 2017 và đến năm 2024 sẽ hoàn thành toàn bộ chương trình đổi mới, qua đó sẽ đào tạo được một thế hệ bác sĩ mới có thể đương đầu với những thách thức trong tương lai của hệ thống y tế.
Để hiểu rõ hơn nữa về công cuộc đổi mới đào tạo Y khoa, hội nghị đã chú ý lắng nghe nội dung thông điệp đến từ 2 báo cáo viên.
Một là báo cáo của PGS.TS Vũ Minh Phúc đến từ Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh - là ngôi trường đầu tiên trong đào tạo bác sĩ đa khoa theo mô hình mới, báo cáo chia sẻ những kinh nghiệm về quá trình đổi mới đào tạo bác sĩ đa khoa tại Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh.
Hai là báo cáo trình bày của GS.TS Phạm Thị Minh Đức chia sẻ những kinh nghiệm đổi mới chương trình đào tạo Y khoa tại Đại học Thăng Long và Đại học Kinh tế Kỹ thuật Y tế Hải Dương.
Cả 2 bài báo cáo đã chỉ ra những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện quá trình đổi mới và mục đích của đổi mới là hướng đến mục tiêu truyền đạt kiến thức, thái độ và kỹ năng cho sinh viên.
Kết thúc Hội nghị là phần thảo luận và ký cam kết triển khai đổi mới đào tạo Y khoa giữa Hiệu trưởng với đại diện các đơn vị cấp 3, đại diện khối Phòng, Ban, Trung tâm, khối các Bộ môn lâm sàng, khối các Bộ môn cơ sở, Hội sinh viên.