Chào mừng đến
Đại Học Y Hà Nội Phân Hiệu Thanh Hóa

ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI

PHÂN HIỆU THANH HÓA

EnglishFrenchGermanVietnamese

Mô Hình 70/20/10 Trong Học Tập

Mô hình 70/20/10 trong học tập
MÔ HÌNH 70/20/10 TRONG HỌC TẬP

  • "Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc khuyến khích việc học tập suốt đời. Lenin khuyên: “Học, học nữa, học mãi”.
  • Sinh thời Bác Hồ cũng luôn quan tâm tới việc học tập của toàn dân. Người chỉ rõ: “Muốn học tập có kết quả tốt thì phải có thái độ đúng và phương pháp đúng”; “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn”; Phương châm, phương pháp học tập là “lý luận liên hệ với thực tế”; “Học để hành: Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”; “Cốt thiết thực, chu đáo hơn tham nhiều”. Người cảnh báo: “Kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập”; “Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ. Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi “vì sao?”, đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không, có thật là đúng lý không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều”.
  • Dưới đây là mô hình học tập 70/20/10, tuy không mới nhưng vẫn cần được nghiên cứu và thảo luận thêm trong đào tạo Y khoa;
     KHÁI NIỆM
     Mô hình 70/20/10 trong tiếng Anh là 70/20/10 Model hoặc 70/20/10 Rule, là một mô hình học tập và phát triển cho thấy sự phân chia tỉ lệ về cách học tập hiệu quả.
     Mô hình đã được biết đến rộng rãi bởi vì nó cung cấp một cách đơn giản giúp giải thích cách học thực sự sẽ diễn ra trong công việc. Nó nhấn mạnh rằng các chương trình học tập cần tập trung vào nhiều thứ khác hơn là việc học tập chính qui. 
     Mô hình này được phát triển bởi Morgan McCall, Robert Eichinger and Michael Lombardo vào năm 1996. Nghiên cứu họ đã thực hiện cho thấy:
- 70% học tập xảy ra khi mọi người tham gia vào các quá trình học tập không chính thức như quan sát người khác, tham gia vào các công việc thường ngày và thực hiện các nhiệm vụ thử thách thực tế;
-  20% phát sinh từ việc cố vấn và huấn luyện của những người xung quanh (chủ yếu là từ người quản lí hoặc người giám sát);
- 10% là kết quả của các khóa học chính thức và đọc sách;
     PHƯƠNG PHÁP HỌC THEO MÔ HÌNH 70/20/10
     Đây là một giải pháp đào tạo hướng đến trải nghiệm của người học hơn là tập trung cho người dạy như các phương pháp đào tạo hiện tại. Trong đó được chia rõ ràng thành 3 phần:
70% TỪ HỌC VÀ PHÁT TRIỂN THÔNG QUA TRẢI NGHIỆM, BAO GỒM:
- Áp dụng các kiến thức đã học vào công việc thực tế
- Thực hiện việc tự học và tự phát triển bản thân
- Thử nghiệm cách tiếp cận mới cho một vấn đề cũ
- Hoán đổi, luân chuyển vai trò/công việc
- Tiếp xúc với các bộ phận/vai trò khác
- Tham gia vào các dự án và làm việc nhóm
- Tăng cường ra quyết định
- Trải nghiệm với các nhiệm vụ khó, thách thức
- Tương tác với các quản lí cấp trên (báo cáo, thuyết trình, cuộc họp)
- Đàm phán, thương lượng
- Hoạt động cộng đồng và tình nguyện
     Đối với sinh viên Y khoa thì đó là gắn việc học lý thuyết với thực hành lâm sàng, hỏi bệnh và thăm khám bệnh nhân, quan sát thực hành lâm sàng của bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh, hộ lý tại bệnh viện; đối với sinh viên, học được lâm sàng nhiều nhất là thường vào những ngày đi trực, đặc biệt đối với những sinh viên năm cuối nếu tích cực đi trực thì các bạn sẽ học được rất nhiều vì ở những năm cuối trong giờ trực sinh viên được giao rất nhiều việc, thậm chí được phụ mổ những ca đơn giản..v.v….; Gs Tôn Thất Tùng từng nói: “Trước hết tôi nghĩ phải coi công việc mình làm hàng ngày là quan trọng bậc nhất…; đối với sinh viên Đại học Y khoa ngày nào tôi cũng nhắc nhủ việc này; nhưng thanh niên chúng ta thường thích đọc sách hơn quan sát thế giới bên ngoài, đó là điểm yếu nhất của chúng ta…; Quan sát là cơ bản của khoa học…., vì vậy chúng ta phải vươn lên sửa chữa điểm này. Trong khi làm việc, tôi học hỏi anh chị em y tá. Họ có rất nhiều nhận xét nhưng vì chưa học lý luận cơ bản, họ thường dừng lại ở mức độ kinh nghiệm mà thôi. Muốn vươn lên thì phải tham khảo các tài liệu và trước hết phải biết ngoại ngữ, …và có thể nói Người thầy tốt nhất của tôi là những y tá ở Phủ Doãn và các bệnh nhân ở đấy” (trích trong cuốn: Tôn Thất Tùng, Cuộc đời và Sự nghiệp, trang  7 và 14, Nhà xuất bản Y học năm 1997);
     20% TỪ HỌC VÀ PHÁT TRIỂN THÔNG QUA NGƯỜI KHÁC, BAO GỒM:
- Quan sát
- Tìm lời khuyên, hỏi ý kiến và nghe các ý tưởng
- Huấn luyện, kèm cặp từ cấp quản lí
- Các kinh nghiệm chia sẻ từ các đồng nghiệp
- Các đánh giá và thông tin phản hồi từ khách hàng
     Trong Y khoa thì việc này là học được qua người quản lý chỉ dẫn giúp đỡ, người lâu năm có kinh nghiệm hướng dẫn người mới vào nghề, học qua những buổi giao ban, đi buồng của trưởng khoa, lãnh đạo bệnh viện; hội chẩn liên khoa, hội chẩn toàn viện hay liên viện; những ý kiến góp ý của bệnh nhân, gia đình và người chăm bệnh qua những buổi sinh hoạt Hội đồng bệnh nhân. Đối với sinh viên và học viên Y khoa thì việc các anh chị khóa trước hướng dẫn các em khóa sau, học viên sau đại học khóa trước hướng dẫn học viên sau đại học khóa sau, các nghiên cứu sinh (fellow doctor) hướng dẫn các bác sĩ nội trú (resident doctor) là rất cần thiết, ngoài  ra các bạn còn học được từ các buổi giao ban khoa, giao ban sinh viên, học nhóm, tham gia câu lạc bộ học tập tích cực hay sinh hoạt khoa học…; đây là cách làm rất phổ biến mà tôi quan sát thấy ở Bệnh viện Đại học quốc gia Seoul (Hàn Quốc) và Bệnh viện Sirijai Đại học Mahidol (Thái Lan).
Ở Việt Nam hiện nay có mô hình rất hay đó là: Tuyến trên giúp đỡ tuyến dưới, mạng lưới bệnh viện vệ tinh, telehealth….;
     10% TỪ HỌC VÀ PHÁT TRIỂN THÔNG QUA CÁC KHÓA HỌC, BAO GỒM:
- Các khóa học tập trung
- Các khóa học trực tuyến
     Đối với sinh viên, học viên Y khoa đó là những buổi giảng chính thức của các thầy, kể cả giảng lý thuyết và giảng thực hành lâm sàng, hay sinh hoạt chuyên môn chính khóa.
     Trong mô hình này, nhấn mạnh kiến thức được hình thành từ 3 phần và trọng số không phải cố định hoàn toàn là 70/20/10 mà có thể thay đổi tuỳ thuộc vào từng người và từng ngành cụ thể mà họ học. Tuy nhiên mô hình này đề cập đến việc kiến thức học được cần đạt 100% thì sẽ phải bao gồm 3 phần và việc lên kế hoạch đào tạo cần được xây dựng cho cả 3 phần này chứ không phải tập trung hoàn toàn và 10% như hiện tại.
- Học tập chính qui (Formal learning) tuy chỉ chiếm 10%, song các công ty cần xây dựng bản đồ học tập tổng quát (General learning maps) hoặc lộ trình học (learning journey) như là những yêu cầu chuẩn mực ban đầu của công tác đào tạo. Nó là kiến thức nền tảng để thực hành ở 2 phần sau và là nên tảng cho việc đối chiếu, đánh giá mức độ hiểu và làm đúng hay sai.
- Học tập xã hội (Social learning) là đảm bảo việc học đó khi được làm thực tế (doing) sẽ luôn được sự hỗ trợ từ các mentor hoặc bạn cùng học, trong mô hình truyền thống là các thầy giáo và bạn bè, đồng nghiệp học cùng; đối chiếu kết quả với quá trình trên để hình dung lại mức độ hiểu và thực hành.
- Học qua thực hành (Experience learning) là quá trình đúng kết lại từ chính bản thân người học để ráp nó vào mảng ghép kiến thức của bản thân mỗi chúng ta, nó đến từ bản thân người học làm việc và nhìn nhận lại bản thân của mỗi chúng ta đối chiếu với phần kiến thức được học. Người học sống với mảng kiến thức mới đó mỗi ngày trong suốt quá trình học tập và làm việc để thẩm thấu nó hoàn toàn.
     Mô hình 70/20/10 để phát triển tốt thường theo 3 bước, áp dụng theo thứ tự từ thấp đến cao. Không nhất thiết phải bắt đầu bằng 10/20/70 mà có thể ngược lại. Cũng không phải là trong quá trình training các bạn sẽ trải qua từng phần, từng phần một hết cái này rồi đến cái khác mà nên được đan xen nhau để thấu hiểu và biến thành của bản thân mỗi chúng ta.
     Một chương trình đào tạo hiệu quả cần giúp người học xác lập được những hành vi hiện tại đang gặp vấn đề gì và những hành vi nào cần điều chỉnh sau khoá học để gọi là học tập thành công.
     Trang web chuyên về kỹ năng sống: https://www.ubrand.global/ các bạn sinh viên có thể tham khảo./.
BS. Cầm Bá Thức (Sưu tầm)
Up top